Với sự phát triển của công nghệ cũng như mạng xã hội, chưa bao giờ nghề lập trình viên lại trở nên hot như vậy. Cùng với đó, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành CNTT cao nhất trong lịch sử. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tới năm 2020, Việt Nam thiếu hụt hơn 500.000 nhân sự IT. Không ít người hết lời ca ngợi nghề lập trình viên là “nghề hái ra tiền” bởi mức lương tới hàng chục triệu đồng.
Chính vì vậy, người người nhà nhà đang đổ xô đi học lập trình. Họ có thể là học sinh lớp 12 định hướng thi Đại học ngành CNTT, người cần học nghề, người đang làm trong lĩnh vực khác muốn chuyển nghề… Tuy nhiên, đối với những người chưa có nền tảng CNTT, việc trở thành một lập trình viên là một chặng đường dài. Bài viết này chia sẻ tất tần tật những gì liên quan đến: “Học lập trình cho người mới bắt đầu”.
Lập trình và ứng dụng của lập trình trong cuộc sống
Lập trình là sử dụng các ngôn ngữ lập trình và các công cụ, tiện ích để viết mã lệnh, xây dựng nên các chương trình và ứng dụng có thể chạy trên máy tính, thiết bị điện tử. Nhằm phục vụ các nhu cầu trong cuộc sống: học tập, làm việc, vui chơi giải trí.
“Lập trình”, thuật ngữ tưởng mang nặng tính chuyên ngành nhưng lại vô cùng gần gũi với chúng ta. Lập trình tạo ra những thứ vô cùng thiết thực trong cuộc sống:
- Hệ thống Blog, Website, Mạng xã hội… Những nơi mà hàng ngày chúng ta vẫn thường truy cập để cập nhật tin tức, để bán hàng, để chia sẻ thông tin.
- Các phần mềm ứng dụng quản lý. Nhờ đó, những người kế toán, thu ngân… có thể dễ dàng vận hành được cả một lượng số liệu đồ sộ chỉ bằng vài cú click chuột.
- Các game trên máy tính, trên di động cũng là một sản phẩm từ lập trình.
Và còn vô số những ứng dụng hữu ích khách của lập trình mà ta chưa thể kể hết.
Học lập trình cho người mới bắt đầu – Một số ngôn ngữ lập trình căn bản
Trước khi bàn đến kinh nghiệm và cách học lập trình cho người mới bắt đầu, chúng ta sẽ điểm qua những ngôn ngữ lập trình cơ bản.
PHP
PHP là mã nguồn mở, miễn phí, hỗ trợ người dùng xây dựng website với chi phí tiết kiệm nhất. Nhờ đó, PHP đã trở nên phổ biến một cách rất nhanh chóng trong những năm qua. Ngay cả những ông lớn như Facebook, Yahoo!, Wikipedia cũng sử dụng tới PHP.
Hiện nay, hầu hết các trang Web bạn tiếp xúc đều được xây dựng từ PHP. Đây có lẽ cũng là lý do mà phần lớn doanh nghiệp hiện giờ đều ưu tiên tuyển dụng những lập trình viên thông thạo ngôn ngữ này. Tính cộng đồng cao chính là một ưu điểm vượt trội của PHP.
Bên cạnh đó, một điểm mạnh khác của PHP đó là có khá nhiều CMS, Framework được xây dựng từ PHP giúp rút gọn quá trình tạo một website. Vì vậy, trên thế giới có khá nhiều lập trình viên sử dụng PHP để xây dựng dự án cho riêng họ hoặc cho khách hàng của họ.
Java
Xét về mức độ phổ biến, Java cũng không kém phần PHP. Đây là ngôn ngữ lập trình được sử dụng nhiều thứ 3 trên thế giới. Nhắc đến Java là nhắc đến những ứng dụng phần mềm trên di động. Nhưng thực tế, ngôn ngữ này còn làm được nhiều điều hơn thế. Java là một ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng, có đặc trưng sâu sắc dựa trên lớp (class-based), được thiết kế để có thể hoạt động đa nền tảng. Do vậy, một nhược điểm không thể không nói của Java đó là sự phức tạp và khó nắm bắt.
Python
Được phát triển từ những năm 80s bởi Guido van Rossum, Python cũng năm trong danh sách ngôn ngữ lập trình phổ biến và dễ tiếp cận. Python là ngôn ngữ mã nguồn mở và sử dụng miễn phí, thậm chí cho các ứng dụng thương mại. Theo đó, Python cho phép các lập trình viên tạo ra một số lượng lớn code dễ đọc trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng Python cũng là một ngôn ngữ dynamic, hỗ trợ hướng đối tượng và có phong cách lập trình chức năng như những ngôn ngữ khác. Bởi tính mềm dẻo, Python là một trong những ngôn ngữ lập trình bậc cao được sử dụng rộng rãi nhất ngày nay.
C và C++
C và C++ là khá quen thuộc với hầu hết các sinh viên trong ngành công nghệ thông tin. Bởi, hai ngôn ngữ này thường được đưa vào chương trình giảng dạy ngay từ những năm đầu. C/ C++ được mệnh danh là nền tảng của khoa học máy tính và lập trình. Tuy nhiên, C và C++ được đánh giá là rất khó để học. Dù vậy, nếu nắm được chắc hai ngôn ngữ này, bạn có khả năng học sang ngôn ngữ khác rất nhanh bới hầu hết các ngôn ngữ đều được phát triển từ một hay một vài khái niệm của C/ C++.
Người mới học lập trình nên bắt đầu từ đâu?
Những người mới bắt đầu thường có xu hướng tìm hiểu xem nên chọn học ngôn ngữ gì. Tuy nhiên, đó lại là cách làm ngược. Trước khi quyết định học một ngôn ngữ, bạn nên xác định mình muốn làm gì, muốn trở thành ai. Cũng giống như đi câu cá, bạn nên khảo sát ao cá xem có cá không, có những loại cá nào. Sau đó, hãy đi mua loại cần câu và mồi câu thích hợp.
Lập trình Web
Bạn muốn trở thành người xây dựng nền tảng và giao diện của những website? Đây cũng chính là ngành nghề đang rất hot, được rất nhiều doanh nghiệp tuyển dụng. Khi mà, bất kì một công ty, doanh nghiệp nào muốn khẳng đinh tên tuổi, uy tín của mình. Họ đều cần có một trang web chuẩn chỉnh. Bên cạnh đó, bạn còn có thể tạo dựng nên thương hiệu cá nhân của chính mình khi bạn có khả năng nắm trong tay mọi thứ về website. Nếu theo lập trình web, bạn có thể lựa chọn ngôn ngữ PHP để bắt đầu. Đây là ngôn ngữ lập trình web rất dễ để học.
Lập trình di động
Hiện nay, trên thế giới có 2 tỷ người dùng điện thoại thông minh. Và có gần 6 triệu ứng dụng trên di động, bao gồm: game, tiện ích, kinh doanh, sức khỏe… Bạn muốn gia nhập nền kinh tế di động đầy cơ hội và thử thách này? Hãy chọn học lập trình di động.
Chuyên gia Big Data
Thực tế, có nhiều tập dữ liệu cồng kềnh và phức tạp đến mức hệ thống xử lý dữ liệu truyền thống không đáp ứng được. Các chuyên gia Big Data sẽ lo phần việc này. Nói cách khác, đây là những người chuyên xử lý các phần dữ liệu lớn. Khi lượng dữ liệu lưu trữ ngày càng phát triển lên, nhu cầu nhân sự về các chuyên gia Big Data cũng tăng lên tỷ lệ thuận.
Kiểm thử phần mềm
Không phải tất cả các phần mềm làm ra đều được đưa vào sử dụng ngay. Chúng đều phải trải qua quá trình kiểm thử và đánh giá nhằm đảm bảo có thể chạy tốt và ổn định trong nhiều kịch bản và nền tảng khác nhau. Chạy thử và kiểm tra phầm mềm là công việc của những chuyên viên kiểm thử phần mềm.
Chuyên viên ứng dụng, hệ thống thông tin
Nếu bạn đã có kiến thức chuyên môn ở một vài lĩnh vực khác, khi có thêm kiến thức về lập trình phần mềm và cơ sở dữ liệu, bạn có thể đảm nhận vai trò của một chuyên viên ứng dụng, hệ thống thông tin. Hầu hết các doanh nghiệp hiện giờ đều sử dụng đến các phần mềm quản lý như: kế toán, nhân sự, quản lý hệ thống CRM… Đây chính là cơ hội việc làm lớn dành cho các lập trình viên.
Một vài kinh nghiệm học lập trình cho người mới bắt đầu
Kinh nghiệm học lập trình cho người mới bắt đầu – Đi chậm mà chắc
Có một số người bạn của chúng ta biết trước về một số ngôn ngữ lập trình. Trong những tuần đầu học, họ nắm bắt kiến thức rất nhanh. Nhưng về sau, họ lại bị bỏ ở đằng sau. Tại sao họ lại bị tụt dốc trong khi nền tảng của họ tốt hơn?
Đó là vì họ đã đi quá nhanh. Họ là tưởng rằng mình biết tất cả nhưng thực sự họ lại ít khi thực hiện công việc lập trình. Một vài kiến thức nâng cao họ biết không đủ để nắm vững các nguyên tắc cơ bản.
Trước tiên, chúng ta cần có một nền tảng tốt. Hãy thường xuyên luyện tập thực hành các bài tập lập trình. Trong quá trình luyện tập, bạn sẽ thấy được những vấn đề cơ bản mà các lập trình viên thường mắc phải. Từ đó hình thành được thói quen tốt để giải quyết vấn đề.
Đừng bao giờ ngừng tiến trình luyện tập của mình. Bạn cũng không nên đi quá nhanh hay quá chậm. Đừng tránh một chủ đề nào sau khi bạn đã nắm vững tất cả những gì dẫn đến nó. Bằng cách đối mặt với nhiều ý tưởng và thách thức, bạn sẽ có một chất men giúp bạn nhanh chóng nắm bắt được những vấn đề cơ bản.
Kinh nghiệm học lập trình cho người mới bắt đầu – Đừng copy và paste code
Để ghi nhớ một từ vựng tiếng Anh, ta thường hay viết đi viết lại chúng. Code cũng vậy! Để thực sự nắm bắt được chúng, hãy tự gõ. Mỗi lần bạn gõ ra dòng code là một lần bạn ghi nhớ. Đừng tiện tay copy và paste. Vô hình chung, hành động này sẽ trở thành một thói quen xấu, cản trở việc học sau này của bạn. Đây là một kinh nghiệm xương máu để học lập trình cho người mới bắt đầu.
Kinh nghiệm học lập trình cho người mới bắt đầu – Học đi đôi với hành
Trên mạng có rất nhiều nguồn website, video hướng dẫn học code. Nhiều người chỉ mở chúng ra xem chăm chú và gật gù. Tuy nhiên, sau khi tắt máy tính đi, những kiến thức đó đọng lại trong bạn được bao nhiêu? Bạn có thể thực hiện lại ngay được chứ? Cách hiệu quả nhất để nắm kiến thức nhanh chóng đó là vừa xem vừa làm. Xem đến đâu gõ đến đó thì hiệu quả hơn rất nhiều.
Kinh nghiệm học lập trình cho người mới bắt đầu – Tự làm lại
Sau khi vừa xem video vừa thực hiện, hãy tự làm lại. Tắt máy đi, thoát ly khỏi mọi hướng dẫn, bắt đầu code. Hãy làm từ những gì mình hiểu được, tự tìm và khắc phục lỗi sai. Nếu cảm thấy bế tắc thì mới nên xem lại video. Chỉ có như vậy, những kiến thức đó mới thực sự trở thành của bạn.
Kinh nghiệm học lập trình cho người mới bắt đầu – Code, code nữa… code mãi
Kinh nghiệm này bắt nguồn từ câu nói kinh điển: “Học, học nữa, học mãi”. Code, code và code chính là cách để code giỏi nhanh nhất. Hãy ra xa những bài giảng và sách vở đi. Mở máy tính lên và code. Sai thì sửa, quên thì xem lại, có lỗi tìm cách khắc phục, đào sâu suy nghĩ, google, đọc lại lý thuyết… Rất nhiều người khi mới bắt đầu gặp vấn đề hơi khó là phải hỏi đầu tiên mà không tự khám phá. Nhưng cách học tốt nhất đó là tự tìm hiểu, tự mày mò. Bởi vì học lập trình là môn học cần tư duy độc lập và tìm tòi sáng tạo. Hỏi nhiều sẽ làm mất đi tính độc lập và sáng tạo của bạn.
Kinh nghiệm học lập trình cho người mới bắt đầu – Tự thách thức bản thân
Bằng cách tự tạo ra thách thức cho mình, bạn sẽ mau chóng tiến bộ hơn. Đây là cách mà các lập trình viên giỏi rất hay làm với mình. Ví dụ bạn xem một tutorial về cách gửi mail bằng PHP. Trong video có hướng dẫn gửi mail nhưng không gửi file đính kèm. Bạn hãy cho đấy là bài tập về nhà của mình và tự tìm cách khắc phục. Ví dụ khi bạn đọc một bài về jQuery Slider. Nếu người ta chỉ có chuyển hình kiểu chạy qua, bạn sẽ tự tìm cách tạo cho nó chạy qua, vòng lại…
Kinh nghiệm học lập trình cho người mới bắt đầu – Học từ nhiều nguồn, nhiều tài liệu
Kiến thức là một biển cả mênh mông không một ai có thể nắm bắt được. Vì thế, không có sách nào, nguồn nào tổng hợp được mọi kiến thức. Học ở mỗi nơi một chút đó là cách bạn thu thập tinh hoa nhanh nhất. Nhưng bạn cũng hãy biết cách chọn lọc và tổng hợp kiến thức sao cho tối ưu nhất.
Kinh nghiệm học lập trình cho người mới bắt đầu – Gỡ rối bằng cách sử dụng công cụ Debug
Khi chương trình của bạn có một lỗi nào, Debug chính là công cụ rất tốt dùng để gỡ rối. Nó cho bạn theo dõi giá trị của các biến và các thay đổi của chúng. Ngoài ra, Debug còn giúp chúng ta hiểu chương trình của mình hơn. Một chương trình debug có thể giúp bạn nhanh chóng trả lời những gì mà bạn đang làm. Debug chính là thứ chúng ta cần phải biết khi viết chương trình.